Stress là gì? Stress là một trạng thái hầu như ai cũng từng bị. Đặc biệt trong hoàn cảnh xã hội với nhiều lo toan như hiện nay. Hiểu được các tác nhân gây nên stress sẽ là cách thức để bản thân mỗi người có những phương pháp giải tỏa stress phù hợp và hiệu quả nhất. Để được sống vui – sống khỏe – sống hạnh phúc.
Stress là gì?
Stress (hay còn gọi là căng thẳng). Đó là sự phản ứng của cơ thể với những nhu cầu của bản thân hoặc những sự kiện BẤT NGỜ. Những phản ứng thường thấy của stress thường được nhìn nhận trên phương diện tâm lý và biểu hiện dưới các hành vi:
- Về mặt tâm lí: dấu hiệu của stress là cảm thấy mất phương hướng, mệt mỏi, chán chường không muốn làm gì. Có thể dễ nổi nóng hoặc im lặng bất ngờ, luôn trong trạng thái bất an, căng thẳng và không thoải mái. Một số bạn có suy nghĩ tiêu cực, mất niềm tin vào cuộc sống và những người xung quanh.
- Về mặt hành vi: Những người bị stress thường có xu hướng sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. Họ dễ gây sự với những người xung quanh. Việc ăn ngủ không đúng giờ và mất cân bằng trong sinh hoạt hàng ngày.
Tác nhân gây nên stress
Chúng ta không phải tự nhiên rơi vào tâm thế bị stress. Stress bắt nguồn từ những tác nhân cụ thể. Thông thường, cứ nhắc đến stress chúng ta thường nghĩ tới áp lực hay những sự kiện tiêu cực. Thế nhưng, thực tế không phải như vậy. Những sự kiện vui, buồn đều có thể ảnh hưởng đến tâm lý con người. Nó gây nên cảm giác căng thẳng cho chúng ta.
Thomas Holmes và Richard Rahe đưa ra nghiên cứu về những tác nhân có thể gây nên stress của mỗi người như sau:
– Thảm họa, thiên tai và nhân tạo: Đây là tác nhân mang tính khách quan. Nó đến từ tự nhiên, từ xã hội và có ảnh hưởng đến phạm vi lớn, chung cho tất cả mọi người. Có thể kể đến như thảm họa sóng thần ở Nhật Bản, hay dịch Covid 19 trong năm nay…
– Các sự kiện lớn trong cuộc đời: Những sự kiện lớn ở đây bao gồm cả những sự kiện vui lẫn buồn. Sự kiện đau khổ hay hạnh phúc quá cũng dẫn đến stress . Ví như dấu mốc chúng ta đậu đại học, dù là vui, hạnh phúc nhưng bên cạnh đó cũng không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng khi bắt đầu một cuộc sống mới, có thể phải xa nhà, phải tự lập…Hay khi kết hôn, nó cũng có thể làm chúng ta căng thẳng không kém…
– Thích nghi với một nền văn hóa mới: Chuyển chỗ ở, đi du học, đi du lịch (chuyển trọ, chuyển công ty…). Việc đến một thành phố mới có thể để học hay chơi đôi khi cũng làm chúng ta lo lắng. Lo lắng vì có thể từ đây, bản thân phải bắt đầu tự lập, tư lo cho mình. Hay áp lực khi thay đổi môi trường làm với với văn hóa công ty khác nhau. Với những người đồng nghiệp mới. Và cả những kiến thức mới cần có cho công việc.
– Những rắc rối hằng ngày: làm việc, công việc, bạn bè, những công việc hằng ngày…Đơn giản chỉ là công việc bận bịu và bạn không thể cân đối thời gian để đón con và nấu cơm cho cả nhà chẳng hạn. Hay những câu nói từ đồng nghiệp, bạn bè làm bạn suy nghĩ.
Tác nhân gây stress ở mỗi người là khác nhau.
Một sự kiện có thể là tác nhân gây stress với người này nhưng chưa chắc đã gây stress đối với người kia. Nguyên nhân của sự khác biệt đó xuất phát từ nhiều đặc điểm. Ví như về giới tính, sắc tộc, độ nhạy stress (hay còn gọi là khả năng chịu đựng) của mỗi người.
Thông thường, những người có xu hướng dễ bị stress thường sẽ có tính cách dễ xúc động, nôn nóng,. Họ hay vội vàng, không đánh giá cao về bản thân. Có thể thiếu tự tin, phụ thuộc vào số phận, hoàn cảnh. Còn những người ít bị stress hơn sẽ có tinh thần trách nhiệm cao. Họ linh hoạt, mềm dẻo trong các tình huống, bình tĩnh, lạc quan.
Ví như:
Cùng đứng trước kì thi THPT Quốc gia vô cùng quan trọng để xét tuyển vào Đại học, có rất nhiều bạn rơi vào tâm lý căng thẳng, hoang mang. Nhiều bạn còn thức khuya, mất ngủ vì ôn thi, tâm lý lo lắng cực độ. Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều bạn lại vô cùng thoải mái, bình tĩnh, tự tin.
Hay như khi bước sang một công ty mới, những người đã quen với việc thay đổi công việc hoặc có chủ đích mong muốn khám phá và thử sức ở lĩnh vực mới thì họ vô cùng háo hức để học tập, làm quen môi trường. Còn những bạn sợ sệt, e dè sẽ rơi vào trạng thái lo lắng dẫn đến tình trạng chán nản, bỏ cuộc.
Chúng ta luôn phải hiểu stress là một vấn đề mà hầu hết ở lứa tuổi nào cũng gặp phải. Chỉ là mức độ của nó như thế nào thôi. Hơn nữa, khi hiể được nguyên nhân và cơ chế của những căng thẳng đó, chúng ta sẽ có cách thức để quản lý phù hợp hơn.
Nguồn tham khảo: Báo tuổi trẻ